Theo Reuters, lời đe dọa áp thuế bổ sung từ 25% đến 50% đối với những người mua dầu thô của Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra gần đây được dự báo sẽ đạt được mục tiêu của ông Trump: buộc Nga phải dừng các hoạt động quân sự tại Ukraine.
Ấn Độ và Trung Quốc là những nước mua dầu lớn duy nhất của Nga, do đó, phản ứng của họ trở nên quan trọng. Ông Trump nói với NBC News rằng ông "tức giận" với ông Putin và sẽ áp thuế lên tới 50% đối với những người mua dầu thô của Nga.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt xung đột ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga... Tôi sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp đối với toàn bộ dầu mỏ xuất phát từ Nga", ông Trump nói.
Ông Trump tuyên bố mức thuế với Nga sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Theo Reuters, Ấn Độ đang ở trong một vị thế khó xử khi đề xuất bỏ thuế nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để thúc đẩy mua hàng. Nhưng Ấn Độ cũng là nước hưởng lợi đáng kể khi phần lớn các nước còn lại trên thế giới tránh xa dầu thô của Nga, cho phép quốc gia Nam Á này mua được nhiều lô hàng giảm giá đến mức Nga hiện là nhà cung cấp lớn nhất của Ấn Độ.
Theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp, Ấn Độ dự kiến sẽ nhập khẩu 1,52 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) từ Nga vào tháng 3, chiếm gần 30% tổng lượng dầu nhập khẩu.
Trong bối cảnh Ấn Độ đã không mua dầu thô từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ, việc thay thế dầu nhập khẩu từ Nga có thể khiến chi phí nhập khẩu dầu của Ấn Độ tăng đáng kể và nước này phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Trước đó, Ấn Độ vừa đón tin vui khi vận chuyển dầu Nga sang Ấn Độ cũng trở nên dễ dàng hơn khi các tàu vận chuyển không thuộc diện trừng phạt từ phương Tây gia tăng. Điều này giúp các công ty Ấn Độ tiếp cận nguồn dầu Nga mà không gặp rào cản pháp lý từ Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh Ấn Độ, rủi ro cũng đến với Trung Quốc khi nước này đang nhập khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, thông qua đường biển và đường ống. Mức thuế quan bổ sung lên tới 50% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, ngoài mức 20% mà ông Trump đã áp dụng sẽ gây ra những tổn hại đáng kể.
Đối với các thành viên OPEC+ ngoài Nga, bất kỳ sự cắt giảm nào về lượng dầu thô của Nga trên thị trường toàn cầu đều có khả năng thúc đẩy giá, cho phép họ tăng sản lượng và xuất khẩu. Trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá dầu Brent tương lai chuẩn toàn cầu tăng khiêm tốn 0,3% lên 73,84 USD/thùng trước thông tin trên.
Theo Reuters