Nhân sự ngân hàng cần chuyển mình trước tác động của AI và tự động hóa

31/03/2025 16:18

Trong làn sóng chuyển đổi số, quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến như tự động hóa AI tự chủ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tái cấu trúc vị trí công việc và lực lượng nhân sự.

Loạt ngân hàng tinh giản nhân sự, hạn chế tuyển dụng

Báo cáo tài chính quý IV/2024 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, mặc dù tổng nhân sự toàn ngành tăng so với cùng kỳ, một số ngân hàng đã cắt giảm từ hàng chục tới hàng trăm lao động để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, BIDV giảm gần 1.000 nhân sự, VIB giảm 517 nhân viên, trong khi Sacombank giảm hơn 400 người. Ở quy mô nhân sự dưới 10.000 người, TPBank, Nam A Bank, ABBank, Kienlongbank cũng đã cắt giảm từ 50 đến 60 người trong năm qua. Đáng chú ý, một số ngân hàng dù có mức lợi nhuận trước thuế lớn nhưng trong năm cũng tuyển thêm rất ít nhân sự, như VietinBank chỉ tăng 159 người, Techcombank tăng 149 người.

Việc cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra ở ngành ngân hàng Việt Nam mà còn là xu hướng chung toàn cầu. Mới đây nhất, vào ngày 24/02/2025, DBS Group - Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á đã tiết lộ về kế hoạch cắt giảm 4.000 việc làm trong vòng 3 năm tới do sự bùng nổ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

AI không thể thay thế con người, nhưng đòi hỏi nhân sự phải thay đổi

Tomasz Noetzel, chuyên gia Tài chính của Bloomberg cho biết "Bất kỳ công việc nào liên quan đến những nhiệm vụ thường xuyên, lặp đi lặp lại đều có nguy cơ bị tối giản nhưng AI không thay thế hoàn toàn. Thay vào đó, nó sẽ dẫn đến sự chuyển đổi lực lượng lao động".

Theo báo cáo từ akaBot về thực trạng tự động hóa (RPA), trong giai đoạn 2019-2024, hơn 10,000 robot ảo đã được triển khai cho gần 30 ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam, cho thấy hơn 50% tổ chức trong ngành đã dần đạt đến mức độ trưởng thành của hoạt động số hóa, tự động hóa.

Điển hình, từ 2019, BIDV đã triển khai thành công RPA cho 11 luồng nghiệp vụ tại các bộ phận quan trọng như Ngân hàng số, Trung tâm Thẻ và Trung tâm Chăm sóc Khách hàng. TPBank cũng là ngân hàng khởi đầu việc triển khai RPA từ rất sớm với hơn 200 quy trình tự động hóa tại 9 khối nghiệp vụ lõi. Để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong làn sóng chuyển đổi số, các ngân hàng thương mại khác cũng không ngừng đẩy mạnh tự động hóa quy trình nghiệp vụ từ 2021 như HDBank, EximBank, Techcombank,...

Việc triển khai tự động hóa đã đem lại một số hiệu quả vận hành tiêu biểu trong các ngân hàng, như tiết kiệm từ 80-95% thời gian xử lý giao dịch, đối soát, vận hành thẻ và giúp giảm thiểu 99% rủi ro sai sót từ các thao tác thủ công. Đặc biệt, khối lượng công việc do robot ảo thực hiện có thể được quy đổi tới 12,000 giờ lao động/ năm, tương đương với 40-60 nhân sự làm việc.

Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc robot, AI và công nghệ có thể hoàn toàn thay thế con người. "Khi làm việc với các khách hàng, chúng tôi nhận thấy sự chuyển dịch trong vai trò của các cán bộ nghiệp vụ trước và sau tự động hóa. Thay vì chỉ triển khai các tác vụ thủ công như trước, nhiều nhân sự đã được đóng vai trò giám sát hoạt động của bot, báo cáo hiệu quả cũng như đóng góp trong việc tái thiết kế, tối ưu luồng quy trình. Vì vậy, tôi cho rằng xu hướng cắt giảm nhân sự của ngân hàng thực tế chỉ tập trung vào việc tái cơ cấu tổ chức, tập trung vào các nhân sự chất lượng cao để hướng đến việc vận hành hiệu quả hơn chứ không chỉ là giảm nhân lực về mặt số." - Ông Dương Việt Tùng, Giám đốc Vận hành akaBot, tập đoàn FPT chia sẻ.

Trong sự kiện C-Talk Tài chính - Ngân hàng được akaBot tổ chức vào 2024, ông Trần Thái Bình - Giám đốc khối ngân hàng số Sacombank cũng nhận định: "Một trong những khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số ngành ngân hàng còn đến từ con người và tư duy làm việc số. Việc thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao khiến nhiều tổ chức tài chính gặp nhiều hạn chế trong việc tối ưu hiệu quả chuyển đổi số."

Tương tự, ông Trương Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM (HUB), nhận định rằng việc một số ngân hàng cắt giảm nhân viên gần đây không phải là cho nghỉ hàng loạt. Đây có thể chỉ là bước đầu của việc sàng lọc các nhân viên không đáp ứng nhu cầu công việc, bằng cấp chưa chuẩn hóa trong giai đoạn mới. Thực tế, các ngân hàng vẫn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đối với các vị trí công việc liên quan đến việc vận hành và ứng dụng công nghệ như AI, tự động hóa, blockchain, quản trị dữ liệu…

Thích nghi với chuẩn mực tự động hóa mới của doanh nghiệp

Ngành ngân hàng đang chuyển dần sang các hoạt động tài chính phức tạp hơn, trong khi các công việc đơn giản được giao cho các tổ chức hoặc công ty khác đảm nhận. Để phục vụ cho các nhu cầu phức tạp này, theo báo cáo từ McKinsey, trong giai đoạn 2025-2026, các ngân hàng trên toàn cầu sẽ chuyển dần từ việc áp dụng tự động hóa truyền thống sang những giải pháp thông minh hơn bằng việc kết hợp giữa RPA với trí tuệ nhân tạo, máy học,...

Nhân sự ngân hàng cần chuyển mình trước tác động của AI và tự động hóa- Ảnh 1.

Để đón đầu xu hướng này, nhiều nhà cung cấp công nghệ cũng đang tích cực phát triển giải pháp tự động hóa kèm AI tự chủ, trong đó có akaBot được phát triển bởi tập đoàn FPT. Theo đại diện của akaBot, giải pháp mới sẽ giúp các ngân hàng đạt được mức độ tự động hóa tự chủ cao hơn, đồng thời vẫn giữ khả năng sử dụng các hệ thống tự động hóa bằng bot ảo (RPA) truyền thống để phục vụ những doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang tự động hóa với AI. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng có lộ trình chuyển đổi linh hoạt mà cũng giúp các nhân sự trong tổ chức dễ làm quen, tương tác với hệ thống và có thể đóng góp trong việc tối ưu quy trình.

Cùng với sự xuất hiện của các công nghệ mới, những vị trí công việc hấp dẫn nhất sẽ dần xuất hiện, từ việc triển khai, giám sát và cho tới quản lý giải pháp số hóa sẽ được tìm kiếm ngày càng nhiều trong các ngân hàng và tổ chức tài chính với mức đãi ngộ cao. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao kĩ năng, kiến thức số hóa sẽ giúp các nhân sự ngành tài chính - ngân hàng nâng cao hiệu quả làm việc và thích ứng với xu hướng tối ưu của ngành.

Đồng thời, đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính, việc đầu tư vào nhân lực chất lượng cao và xác định lộ trình phát triển công nghệ mới sẽ chìa khóa mở ra lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp toàn ngành bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Nhân sự ngân hàng cần chuyển mình trước tác động của AI và tự động hóa" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com