Tờ New York Times (NYT) cho hay trong khi Mỹ đang phải vật lộn với giá trứng tăng vọt thì Nhật Bản lại đang đối mặt cuộc khủng hoảng gạo.
Trớ trêu hơn, dù giá gạo đã tăng đến 81% trong tháng trước tại Nhật Bản nhưng chính quyền Tokyo vẫn chi đến 2,32 tỷ USD để giảm sản lượng trồng lúa khiến người nông dân xuống đường biểu tình.
Tất cả chỉ vì một chính sách đã tồn tại hơn 50 năm mà khởi nguyên đến từ văn hóa "Just in Time" đã làm nên thành công cho Toyota và ngành xe hơi Nhật Bản.
Hơn 50 năm
Câu chuyện Nhật Bản thiếu hụt hơn 200.000 tấn gạo đã không còn gì mới trong bối cảnh giá gạo tăng vọt khiến siêu thị buộc phải hạn chế số lượng khách hàng có thể mua. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức chính phủ phải mở kho dự trữ gạo khẩn cấp vốn chỉ dùng cho thiên tai.
Điều bất ngờ là ngay cả khi người dân đối mặt tình trạng thiếu hụt gạo thì chính phủ vẫn trả tiền cho nông dân để hạn chế lượng lúa họ trồng, bắt nguồn từ một chính sách đã được áp dụng trong hơn nửa thế kỷ và tiêu tốn hàng tỷ đô la ngân sách mỗi năm.



4.000 nông dân Nhật Bản biểu tình tại Tokyo
Quá tức giận, 4.000 nông dân Nhật Bản đã đi biểu tình ngày 30/3/2025 vừa qua tại Tokyo, tụ tập với những tấm biển tuyên bố "Gạo là cuộc sống" và "Chúng tôi làm ra gạo nhưng không thể kiếm sống". Ba mươi người trong số họ lái máy kéo qua những con phố đầy nhà chọc trời của thủ đô.
Tháng trước, lạm phát thực phẩm tươi sống tăng vọt 19% và nỗi lo về chi phí thực phẩm đã đè nặng lên người tiêu dùng Nhật Bản và nền kinh tế khi các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu.
Tình trạng thiếu gạo xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cả đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè năm 2023 làm hỏng vụ thu hoạch và sự gia tăng du lịch dẫn đến việc tiêu thụ gạo tăng.
Thế nhưng các chuyên gia cho biết nguyên nhân gốc rễ nằm ở chính sách đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua khiến thu hẹp đất canh tác trồng lúa.
Kể từ những năm 1970, Nhật Bản đã trợ cấp cho nông dân để hạn chế sản xuất lúa nhằm hỗ trợ thu nhập cho nông dân bằng cách duy trì giá cao thông qua hạn chế sản lượng.
Thế nhưng tờ NYT cho biết những nông dân biểu tình ngày 30/3 vừa qua nói rằng chính sách này chẳng hề hiệu quả.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năm 2022, thu nhập trung bình của nông dân trồng lúa là khoảng 23.000 USD. Mức thu nhập đó không đủ để thu hút những người nông dân trẻ, khiến ngành này nhanh chóng già đi và giảm hàng chục nghìn lao động mỗi năm.
"Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn theo cách này, các trang trại của chúng tôi sẽ biến mất. Các sản phẩm mà chúng tôi sản xuất sẽ biến mất. Trước khi điều đó xảy ra, chúng ta cần phải thay đổi các chính sách nông nghiệp sai lầm của Nhật Bản", ông Yoshihide Kanno, một nông dân 75 tuổi trồng lúa ở một tỉnh phía bắc Tokyo và là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình cho biết.
Theo ông Kanno, khoảng một phần ba ruộng lúa ở thị trấn của ông đã bị bỏ hoang trong 50 năm qua.
"Tại sao chúng ta phải giảm sản lượng khi thị trường thiếu hụt gạo còn ruộng lúa thì bị bỏ hoang? Nếu con cháu tôi muốn làm nông nghiệp thì chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ dài hạn hơn", ông Kanno bức xúc.
Trong khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng hệ thống cho phép nông dân sản xuất tùy ý và trợ cấp khi họ phải chịu lỗ thì Nhật Bản vẫn tiếp tục tuân thủ chính sách hạn chế sản xuất lúa gạo để giữ giá cao.

Văn hóa "Just in Time" từng làm nên thành công cho Toyota
Theo tính toán của giáo sư Nobuhiro Suzuki tại Đại học Tokyo, việc áp dụng chính sách tương tự tại Nhật Bản sẽ khiến chính phủ tốn khoảng 2,65 tỷ USD mỗi năm, cao hơn so với 2,32 tỷ USD hiện đang được chi cho việc khuyến khích nông dân cắt giảm sản lượng.
Tội đồ Toyota?
Giáo sư Suzuki cho biết dù tốn kém hơn một chút nhưng một chính sách tập trung vào việc mở rộng sản xuất sẽ làm tăng nguồn cung gạo, tăng cường an ninh lương thực cho Nhật Bản và làm giảm giá cả tiêu dùng cho người dân. Đồng thời việc cho phép nông dân trồng trọt mà không bị hạn chế trong khi vẫn hỗ trợ thu nhập của họ cũng sẽ khiến ngành này hấp dẫn hơn đối với các thế hệ lao động trẻ.
Tuy nhiên giá trị nông sản thấp trong khi Nhật Bản có thể dễ dàng nhập khẩu gạo giá rẻ từ nước ngoài đã khiến chính quyền Tokyo gặp khó trong chính sách về nông nghiệp.
Tệ hơn, giáo sư Suzuki cho rằng xu hướng thắt lưng buộc bụng trong chính sách điều hành kinh tế Nhật Bản khiến việc tăng ngân sách cho nông nghiệp không hề dễ.
Một ví dụ điển hình là văn hóa "Just in Time" với thành công tiêu biểu là hãng Toyota khiến trong suốt hàng chục năm qua, Nhật Bản luôn tôn thờ việc sản xuất vừa đủ theo dự báo nhu cầu.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng gạo lần này đã cho thấy văn hóa "Just in time" đang dần lỗi thời.
Theo NYT, triết lý "Just In Time" trong sản xuất của Toyota khi đưa các thiết bị, nguyên liệu đến đúng thời điểm và đúng nơi cần dùng đã giúp hãng xe này tiết kiệm được chi phí lưu kho.
Triết lý này vốn được Nhật Bản áp dụng từ sớm nhằm tái thiết đất nước sau Thế chiến II. Phong cách hoạt động này là nhằm thích ứng với thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
Nhật Bản là một quốc gia thiếu tài nguyên còn dân số lại thường tập trung ở các thành phố lớn nên họ phải tiết kiệm hết sức có thể cũng như giảm thiểu chi phí tồn kho xuống mức thấp nhất. Đây là lý do Toyota thường tránh nhập kho và thỏa thuận với các nhà cung ứng nhằm đảm bảo nguyên liệu, thiết bị chỉ được đưa đến khi cần thiết.
Đến thập niên 1980, sự thành công của nền kinh tế Nhật hậu Thế chiến đã khiến nhiều người tung hô triết lý "Just In Time" như một phương thức kinh doanh đầy lợi nhuận.
Triết lý sản xuất "Just In Time" thậm chí được coi là cuộc cách mạng trong giới kinh doanh. Bằng việc giảm hàng tồn kho xuống mức thấp nhất, các nhà bán lẻ có đủ không gian và nguồn lực cho những thứ khác.
Phong cách sản xuất này cho phép các nhà máy thay đổi nhanh chóng sản phẩm để thích nghi với thị trường, giúp các doanh nghiệp tinh gọn cơ cấu và có thể chuyển hướng kịp thời trước sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng.

Nhật Bản đã áp dụng "Just In Time" thành công để vực dậy nền kinh tế hậu Thế chiến II
Hệ quả là trong 50 năm qua, triết lý "Just In Time" này đã được sử dụng trên toàn cầu chứ không riêng gì Toyota hay ngành ô tô. Từ mảng kinh doanh thời trang đến ẩm thực hay dược phẩm đều ưa thích kiểu sản xuất chặt chẽ, thích nghi nhanh chóng được với sự thay đổi của thị trường trong khi giảm chi phí tồn kho.
Điều này cũng đúng với cả ngành nông nghiệp mà đặc biệt là lúa gạo Nhật Bản, khi chính phủ kiểm soát nguồn cung để đảm bảo mức giá cao cho nông sản. Thế nhưng khi khủng hoảng xảy ra, người nông dân thì bất bình khi không thể trồng thêm lúa còn người dân thì lâm vào cảnh thiếu gạo.
*Nguồn: NYT