
Tập đoàn Victory Giant Technology tại Trung Quốc.
Victory Giant Technology thành lập tháng 7/2006. Đây là là một trong những thành viên chủ chốt và thiết lập tiêu chuẩn của Hiệp hội Mạch in Trung Quốc (CPCA).
Tập đoàn đã thiết lập quan hệ đối tác ổn định, lâu dài với hơn 160 công ty hàng đầu trên thế giới. Hiện tập đoàn có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ kỹ thuật cấp tỉnh với hơn 900 nhân viên R&D chuyên nghiệp có 292 bằng sáng chế hợp lệ trong lĩnh vực bảng mạch.
Mới đây, tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II (huyện Yên Phong - Bắc Ninh) đã tổ chức lễ động thổ Dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam của Công ty Cổ phần công nghệ Victory Giant (Quảng Đông, Trung Quốc). Dự án này chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh các loại bảng mạch PCB nhiều lớp có độ chính xác cao, HDI, FPC và Bảng mạch dẻo Rigid-Flex.
Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, Internet công nghiệp, ô tô năng lượng xanh, công nghệ truyền thông thế hệ mới, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế... Dự án có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD, thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 - 2026), tổng đầu tư 260 triệu USD; giai đoạn 2 (2027 - 2030), tổng đầu tư 260 triệu USD.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.
Theo công bố trước đó của Victory Giant Technology, dự án này có diện tích sử dụng đất là 103.626 m². Trong quá trình thi công, dự kiến có khoảng 200 công nhân. Khoảng 50% công nhân xây dựng được thuê tại địa phương.
Dự án vận hành thử nghiệm trong tháng 7 - 9/2026, đi vào hoạt động từ tháng 10/2026. Khi vận hành, dự án có nhu cầu lao động là 2.300 người, bao gồm cả cán bộ nhân viên và chuyên gia. Victory Giant Technology sẽ ưu tiên lao động tại địa phương, được đào tạo phù hợp với ngành nghề dự án.
Sau khi hoàn thành, tổng sản lượng dự kiến của Nhà máy đạt 4 triệu m2 sản phẩm và giá trị sản xuất ước tính khoảng 900 triệu USD, góp phần thúc đẩy nền sản xuất bảng mạch in công nghệ chính xác cao của Việt Nam.
Liên quan đến sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định việc lựa chọn Bắc Ninh để đầu tư của công ty là hướng đi đúng, tạo ra nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. Việc Victory Giant và Green Precision đầu tư vào Bắc Ninh không chỉ giúp tỉnh mở rộng năng lực sản xuất linh kiện công nghệ cao, mà còn góp phần quan trọng vào chiến lược nâng cấp vị thế chuỗi cung ứng công nghiệp của Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, công ty nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để tiến hành xây dựng các hạng mục công trình, đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tích cực chăm lo đời sống người lao Bắc Ninh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty.

Dự kiến mô hình Nhà máy của Tập đoàn Victory Giant Technology tại tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh là một trong những địa bàn thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư với trên 2 tỷ USD, chủ yếu là các dự án công nghệ cao và bán dẫn.
Lũy kế đến nay, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho hơn 2.400 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31,3 tỷ USD (đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút) đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc là một trong số các quốc gia có số lượng lớn doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh.
Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 60%. Như vậy, Bắc Ninh vẫn còn dư địa đất để thu hút đầu tư. Đây là cơ hội tốt để Bắc Ninh bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới.