![]() |
TP.HCM dự kiến phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và một phần quận 1. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam diễn ra vào chiều 28/3, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành tài chính đối với nền kinh tế Anh, khi lĩnh vực này đóng góp tới 30% GDP, đồng thời tạo ra hơn 1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Ông cho rằng Việt Nam có thể tham khảo mô hình trung tâm tài chính London. "London là một trong những trung tâm tài chính lớn và lâu đời. Mô hình chúng tôi làm, Việt Nam không cần phải sao chép, nhưng những định hướng phát triển tại đây, TP.HCM và Đà Nẵng có thể tham khảo", ông chia sẻ.
Theo ông, để phát triển trung tâm tài chính thành công, Việt Nam cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là chính sách, nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Dồn lực phát triển trung tâm tài chính
Trên thực tế, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết TP cũng đang tập trung vào 3 yếu tố này để xây dựng trung tâm tài chính.
Về chính sách, TP.HCM đang theo sát các dự thảo do Bộ Tài chính đề xuất. Những phiên bản mới nhất liên tục được điều chỉnh, phản ánh sự phát triển của thị trường cũng như xu hướng tài chính toàn cầu, đặc biệt là tiền kỹ thuật số, tài sản mã hóa và blockchain.
TP tích cực tham gia vào quá trình này thông qua việc đóng góp ý kiến chuyên gia, tổ chức hội thảo và tham gia các đoàn công tác của Chính phủ nhằm xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.
Về nhân lực, trước đây khi nghiên cứu về trung tâm tài chính, TP nghĩ chỉ cần nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy hệ sinh thái tài chính đòi hỏi 4 nhóm nhân lực chính, gồm chuyên gia tài chính (ngân hàng, bảo hiểm), kế toán - kiểm toán, luật sư tài chính và đội ngũ vận hành.
Ông Vũ nhấn mạnh để thu hút nhân tài, TP không chỉ cần chính sách đãi ngộ tốt mà còn phải nghiên cứu, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn.
Về hạ tầng, TP.HCM đã chuẩn bị từ lâu, gồm quỹ đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm và một phần quận 1. Hiện, TP đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống kết nối, bao gồm đường truyền dữ liệu tốc độ cao, trung tâm dữ liệu hiện đại.
Bên cạnh đó, ông nhận định sự phát triển của trung tâm tài chính không chỉ đòi hỏi văn phòng làm việc mà còn phải đi kèm với hệ thống dịch vụ hỗ trợ như nhà ở, y tế, giáo dục, giải trí... nhằm đáp ứng nhu cầu của chuyên gia và gia đình.
![]() |
Các lãnh đạo, chuyên gia... tại Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam diễn ra chiều 28/3. Ảnh: BTC. |
Ông Vũ cho rằng TP.HCM đã sở hữu một trung tâm tài chính hiện hữu tại quận 1. Do đó, nếu được là người đưa ra quyết định làm sản phẩm gì cho trung tâm tài chính quốc tế, ông sẽ ưu tiên nâng cấp chất lượng hoạt động tại đây.
"Thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng, phố tài chính đều cần được nâng cấp. Chúng ta không thể bàn về tương lai nếu ngay cả những yếu tố cốt lõi hiện tại vẫn chưa đạt chuẩn", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, fintech cũng là một lĩnh vực tiềm năng, với nhiều dự thảo nghị định về blockchain, tài sản mã hóa và công nghệ tài chính đang được xem xét.
Cuối cùng, đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng xanh và hệ thống dịch vụ chất lượng cao là chìa khóa thu hút dòng vốn vào trung tâm tài chính, theo ông Vũ.
Đối với Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết dựa trên những lợi thế vốn có, địa phương đang tập trung vào hai lĩnh vực chính. Đầu tiên là dịch vụ tài chính quốc tế, đặc biệt là thanh toán xuất nhập khẩu trực tiếp nhằm phục vụ khu thương mại tự do, khu công nghệ cao, khu kinh tế và khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là những nhóm dịch vụ liên quan đến tài chính xanh, fintech và đổi mới sáng tạo trong tài chính - ngân hàng, bao gồm cả thử nghiệm những mô hình mới như tài sản số và tài sản ảo.
Ông cho biết TP.HCM và Đà Nẵng đều thống nhất rằng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm lớn như Singapore hay Hong Kong, mà sẽ phát triển dựa trên lợi thế riêng, hỗ trợ và bổ trợ lẫn nhau
Hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh các nội dung thảo luận đã phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với quá trình xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Theo ông, hội nghị không chỉ chỉ ra những thách thức mà còn cho thấy sự thống nhất cao giữa các chuyên gia quốc tế đến từ nhiều nền tài chính phát triển khác nhau và chuyên gia trong nước, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Ông khẳng định nếu Việt Nam thành công trong việc xây dựng và vận hành một trung tâm tài chính hiện đại, lĩnh vực này sẽ trở thành động lực quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế quốc gia tiến tới hiện đại hóa, phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế.
Để hiện thực hóa những khuyến nghị từ hội nghị, ông đề nghị các sở, ban, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, TP.HCM và Đà Nẵng trong việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.